CÁCH LÀM VIỆC

 

 

Con người ngày càng phát triển trí năng, có khả năng tạo hình tư tưởng mạnh mẽ hơn nên ta cần biết tính chất vài loại hình, tính chất, và cách sử dụng chúng đúng đắn
Ở cõi trí, ý tưởng khoác lấy hình thể; khi hình đi xuống cõi tình cảm thì năng lực cõi này thấm nhập và tràn lan khắp hình. Mọi sự sống đều là rung động và kết quả của rung động là hình thể, thanh bai hoặc trọng trược, càng lên cao càng thanh nhẹ. Kế đó trong cuộc sống con người thay đổi mức rung động của mình khi tiến hóa dần, chính sự thay đổi này là mấu chốt của việc tạo hình và làm tan vỡ hình.
Vào thời điểm này có bốn loại hình thể chính:

1. Hình thể của phàm ngã,
Đây là chữ nói chung, chỉ về các thể xác, tình cảm và trí mà con người sử dụng trong ba cõi. Ba thể được tạo mới trở lại vào mỗi lần tái sinh, với mức rung động được ấn định từ kiếp trước. Với người trung bình, hình thể này đủ cho họ sinh hoạt trong kiếp này cho tới khi xong kiếp. Chuyện khác đi cho ai bắt đầu bước vào đường huyền bí, anh tái sinh với các thể đã thành hình, nhưng trong kiếp này anh không ngừng tạo cho mình những thể  mới hơn và tốt đẹp hơn qua việc tu tập; và càng tiến chừng nào thì anh càng ý thức việc tạo thể cho hoàn thiện hơn, thí dụ thân xác giữ cho mạnh khỏe, trí não mở rộng suy nghĩ mạch lạc hơn, tình cảm hóa cao thượng dần.
Do những thay đổi này, trong giai đoạn đầu của con đường huyền bí, người sơ cơ thường đau ốm luôn đi kèm với xáo trộn nội tâm. Anh cảm biết luật trên đường, ý thức nhu cầu phải nâng cao làn rung động của mình, và thường khi anh bắt đầu một cách sai lầm là đi từ bên ngoài vào, thay vì đúng cách phải là đi từ trong ra. Nó có nghĩa anh khởi sự tạo thể xác trở lại bằng phép dinh dưỡng và kỷ luật ( thí dụ ăn chay, ở độc thân); thay đổi cách suy nghĩ và qua đó sử dụng chất liệu cõi trí; chuyển hóa tình cảm để được thanh khiết hơn. Theo đuổi như vậy trong bẩy năm thì người ta tạo cho mình ba thể mới.

2. Thể của môi trường.
Điều này nói về khung cảnh mà ta tiếp xúc ở cõi trần mà luôn cả ở cõi cao, trong nội tâm. Nguyên tắc của sự rung động là những gì cùng tần số sẽ tụ lại với nhau và có nối kết, liền lạc. Như thế, khi một ai nâng làn rung động của mình và tái tạo lại thể, thay đổi bản chất của anh, kết quả sự việc là anh tạo nên bất hòa trong môi trường và rồi có lỗi nhịp. Cho bất cứ ai nỗ lực vào đường đạo, luật xẩy ra là tới lúc nào đó, anh trải qua một giai đoạn cô đơn và đau khổ vì không có ai bên cạnh và anh bị cô lập.
Ai cũng bị đặt vào tình trạng này nhiều hay ít, cho vị La hán thì sự cô lập này là nét rõ rệt. Ngài đứng ở điểm giữa, một bên là sự sống trong ba cõi và bên kia là thế giới của bậc tiến hóa. Mức rung động của ngài không hòa với rung động của nhóm nào, và theo luật ngài trơ trọi một mình. Tuy nhiên đây chỉ là tạm thời, dấu hiệu đáng nói là khi trên con đường tranh đấu để tiến bộ như đa số chúng ta đang theo đuổi, lúc môi trường mãn ý là phút giây đáng lo ngại vì đó là dấu hiệu dừng lại, dậm chân tại chỗ; còn khi luật áp dụng thì trước tiên nó sẽ sinh ra xáo trộn.

3. Hình thể của người sùng tín.
Chữ này không có nghĩa về tôn giáo mà nó diễn tả một ý trừu tượng. Mỗi người đều có lòng sùng mộ ít nhiều cho một điều nào đó trong đời, anh sống cho điều ấy dù đúng dù sai, và như vậy sử dụng luật có hiểu biết, sáng suốt hay vô minh. Nó có thể thuần vật chất như muốn chích botox (!), tôn thờ thân xác, ham muốn vàng bạc, sở hữu vật này kia. Mục tiêu cũng có thể thuần tình cảm như tình thương vợ chồng, con cái, gia đình; lòng hãnh diện về dòng dõi, muốn được ưa chuộng, hoặc ham muốn điều gì mà anh dành trọn năng lực, dùng thể xác để đạt ham muốn của tình cảm.
Hình thức cao hơn của sùng mộ là lòng yêu thích nghệ thuật hay khoa học, triết lý, đời sống tu hành, theo đuổi nghiên cứu khoa học hoặc nghệ thuật. Anh dâng hiến năng lực thể chất, tình cảm và trí tuệ cho mục đích chọn lựa, và hình thức nào thì cũng là lòng sùng mộ. Diễn trình luôn luôn là nhịp rung động tương ứng với mục tiêu, đạt tới nó, vượt qua và rồi tan rã. Đau khổ sinh ra hình thể tan vỡ và nhịp rung động thay đổi khác đi.
Cho mỗi chúng ta, nhiều kiếp sống trong hàng triệu năm diễn ra ở mức rung động thấp. Khi tiến hóa dần, sự phát triển làm nhịp mau hơn và tần số thay đổi từ kiếp này sang kiếp kia, so với lúc ban đầu tần số rung động có thể giữ nguyên trong nhiều kiếp. Càng tiến gần đường đạo thì con người thay đổi nhiều hơn, hàm ý nhiều hình thể bị tan vỡ hơn, có khi trong một kiếp anh thay đổi nhịp rung động vài lần. Đây là thí dụ tuyệt hảo về lòng khoan dung; trong kinh thánh có câu 'Ai đã tra tay cầm cầy thì không bỏ cuộc', và thái độ hay thấy là sự chê trách ai đã chọn mà không đi hết con đường. Tuy nhiên khi thay đổi mục tiêu và con đường không còn thích hợp thì chuyện phải làm là theo duổi con đường khác hợp hơn. Hành giả không bỏ chí hướng tu tập, chỉ thay đổi phương tiện đi tới mục tiêu.
Thí dụ đưa ra là trong đời của tất cả người chí nguyện, nếu diễn ra mau lẹ theo như mong ước thì nó không ngừng biến chuyển, luôn luôn thay đổi và phân hóa, không ngừng tạo tác rồi tan vỡ, đặt kế hoạch rồi chứng kiến chúng bị gián đoạn.

4. Thể Thượng trí hay Căn Thể (causal body)
Đây là thể của tâm thức cao, là đền thờ cho tâm thức thiêng liêng tựa như thân xác là đền thờ của linh hồn nơi cõi trần. Căn thể là vật tuyệt đẹp vì nó chất chứa những đức tính trau luyện qua nhiều kiếp, là vật trường tồn theo với thời gian, vì trong khi ba thể thấp tan rã sau một kiếp để rồi được tái tạo trở lại mỗi lần ta sinh ra kiếp mới, căn thể lại được giữ nguyên không bị hư mất. Vẻ mỹ lệ khiến căn thể như là vật hiếm có, và sự hiện hữu lâu dài cho nó tính vững bền, nhưng cũng tới lúc vật phải tan vỡ.
Ta không cần bận tâm đến thể lúc này vì đó là chuyện về sau của vị La hán, nó được ghi ra để cho thấy luật áp dụng từ thấp đến cao không sai chạy, và ý nghĩa là chỉ khi con người buông bỏ mọi việc trong ba cõi thấp kể cả tinh hoa của vô số kiếp là căn thể, thì anh mới được tự do để mang ân lành đến cho nhân loại đang phấn đấu. Khi đó anh tạo cho mình một hình thể tùy ý, hình thể mới này không còn bị tan vỡ mà đủ cho nhu cầu của anh,  được loại bỏ hay sử dụng tùy theo trường hợp đòi hỏi.
Ta bàn đến hình thể vì trong lúc này, với hai sự việc đang xẩy ra là cung 6 tàn dần, cung 7 tới thế chỗ và tân kỷ nguyên Bảo Bình (Aquarius) bắt đầu, năng lực mới tuôn tràn với nhịp rung động mới, sẽ có nhiều xáo trộn cẩy ra, cho tới khi hình thể thích nghi với năng lực mới hơn. Trong tiến trình ấy, ai tập cho mình có sự uyển chuyển, mềm dẻo, hoặc ai mà cung phàm ngã có tính chất ấy (cung bốn) sẽ tiến bước mà bị xáo trộn ít hơn ai có tính kết cứng, cố định.
Chuyện càng đáng nói thêm khi đức Di Lặc (đức Chúa) xuống trần, khi ấy mức rung động mạnh mẽ của ngài sẽ cho ra xáo trộn mạnh ở nơi nào có sự kết cứng, thí dụ như giáo điều cứng ngắc, kinh điển chết khô được diễn giải theo quan điểm khi xưa thay vì quan điểm tinh thần. Nếu đọc lại lịch sử thì sự việc đã từng xẩy ra vào đầu kỷ nguyên khi đức Jesus giảng đạo, khi ấy lời giảng sinh ra xáo trộn trong dân gian và Do Thái giáo vì ngài mang lại chỉ dạy mới, tinh thần mới, chỏi với hệ thống tín ngưỡng bấy giờ. Có khuyến cáo là điều gì xẩy ra khi ấy thì nay sẽ diễn ra trở lại.
Lời khuyên đưa ra chẳng những cho sinh hoạt riêng của ta, mà luôn cả việc chuẩn bị con người cho sự tái xuất hiện của đức Chúa, là thực hiện những điều sau:

●  Vun trồng sự nhậy cảm với chuyện tinh thần. Bằng cách nào ư, là nâng cao làn rung động của mình để có sự tương ứng và cảm nhận, đáp ứng năng lực từ trên cao.
●  Nhắm đến việc mở mang tâm trí và không ngừng học hỏi.
●  Khi nào được hãy suy nghĩ theo cách trừu tượng hoặc bằng những con số. Về điều này, một trong những cách áp dụng là tìm hiểu về biểu tượng học, vì ta được dạy rằng số học là một trong những chìa khóa chung để hiểu ý nghĩa của biểu tượng trong các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Áp dụng khác là viết nhạc, thưởng thức nhạc, vì nhạc lý sử dụng toán rộng rãi; môn nữa là thi ca, như kiến trúc được xem là âm nhạc đông đặc, thì thi ca với âm điệu  được xem là kiến trúc lỏng, biến thái nhịp nhàng theo qui tắc toán học.
● Có lòng từ với mọi sinh linh, khi yêu thương là ta tập cho thể tình cảm có sự mềm dẻo, tạo cho mình khả năng rung động hòa hợp, và sự uyển chuyển ấy làm ta đáp ứng được với làn rung động của Ngài.

Diễn trình này và những loại hình thể này nơi con người cũng áp dụng cho Thượng đế trong công việc lớn lao của ngài, cho những đấng cao cả, môi trường thay đổi nhưng chỉ có một luật chung tác động. Nói riêng cho chúng ta, ta đang học cách làm việc nơi cõi trí qua việc tham thiền và áp dụng hiểu biết của mình, để dần dần thức tỉnh. Ta liên tục tạo hình thể, tuôn năng lực vào đó theo như mục tiêu mà ta ý thức, và chữ 'ý thức' này cần được bàn kỹ.
Đa số người chí nguyện trên thế giới thường có ít tư tưởng, tư tưởng yếu kém mà hành động thì lẹ làng. Mục tiêu của ta nên là có tư tưởng mau lẹ, tư tưởng được tập trung và hành động chậm rãi. Tuy nhiên hành động chậm rãi ấy lại có kết quả mạnh mẽ, và sẽ không có khuynh hướng chần chừ. Khi con người chú tâm vào cõi trí, diễn trình tư tưởng sẽ chắc chắn thành hình và không thể tránh được. Khi ý tưởng được nắm rõ ràng, sức tập trung giữ vững và năng lực hay sức sống liên tục được tuôn vào hình thì kết quả sẽ hiển hiện nơi cõi trần không cưỡng  được, cộng thêm với hành động tiềm tàng.
Tới đây có một yếu tố cần được chú ý để ta không đi sai đường. Hoạt động ta nhắm tới là phát triển phần tinh thần, tâm linh, là hướng đi lên đúng cho con người trong cuộc tiến hóa hình chữ V (với phần khác của cuộc tiến hóa hướng đúng là đi xuống, đi sâu vào vật chất nhưng ta không bàn đến chúng ở đây), do đó việc làm nào hướng vào phần vật chất, sức sống tuôn vào hình thể chỉ để làm sinh động hạt nguyên tử của vật chất là không phải chánh đạo. Năng lực tình thương, là tính chất của linh hồn, bị thiếu vắng. Hình thể được tạo ra vì vậy có chất liệu cõi trí, cõi tình cảm và cõi trần mà không có sự đóng góp của linh hồn (là yếu tố tình thương). Mục đích của hình vì vậy phù hợp với việc phát triển của hình thể, nhưng không phù hợp với sự biểu lộ của linh hồn.
Tả đạo theo đó là con đường của sự tiến bộ về vật chất, không phải là con đường cho sự tiến bộ của mặt tinh thần. Câu  chuyện làm phân biệt rõ ràng giữa hai con đường, mà cùng lúc cho thấy chỗ đứng của vật chất là một phần trong Sự Sống Chung. Hình thể khi tạo ra đều giống nhau tới một mức nào đó, chỉ khi mục tiêu được xác định thì mới có sự khác nhau về chánh đạo hay tà đạo; điều này giải thích vì sao sự huấn luyện cho người chí nguyện nêu ra động cơ chân chính như là bước chuẩn bị cho việc làm chân thực sau này về huyền bí học.
Đó là việc làm gì ? Nó gồm có:

● Tiếp xúc với Thiên Cơ.
● Có ao ước đúng đắn là cộng tác với Thiên Cơ
● Tạo hình tư tưởng ở cõi trí, và biết rằng tư tưởng đúng đắn, hướng đúng đường sẽ dẫn tới hoạt động đúng cách và chắc chắn tránh thành tà đạo.
Người mới bắt đầu muốn phụng sự ít lưu ý tới điểm này. Họ có ao ước nặng tình cảm, muốn thấy hình tư tưởng của mình hiển hiện nơi cõi trần, biểu lộ ý tưởng; dành nhiều thì giờ theo lối làm việc hay gặp và dành cho sinh hoạt nơi cõi trần. Họ bị mòn mỏi vì đồng hóa mình với hình thể đã tạo, thay vì giữ cho mình tách biệt với hình, và hành xử như là tác nhân điều khiển mà thôi.
Vì thế bài học là:
● Học làm việc nơi cõi trí.
Tạo hình thể ở đó và xin nhớ rằng khi để cho mình chìm đắm vào hình, nó có thể ám ảnh và chế ngự ta, khi đó hình trở thành yếu tố khống chế thay vì là mục tiêu của sự hiện hữu của nó. Khi hình thể nắm vai trò chính thì có nguy hiểm là nó có thể dùng cho mục đích tà đạo, là tăng thế lực của vật chất, tăng sự cầm giữ linh hồn trong cõi vật chất. Hình quyến rũ làm con người đi lạc khỏi Thiên cơ và Thiên ý mà hình che phủ và dấu nhẹm.
Nói thêm thì mọi công việc và mọi hình tư tưởng được tạo ra (mà khi hiển hiện thì có hình thức như là một tôn giáo, tổ chức, trường phái tư tưởng, cuốn sách v.v.) nhằm biểu lộ lý tưởng tinh thần và đặt trọng tâm vào sự sống là thuộc về chánh thuật. Chúng thành một phần của sự sống ta gọi là chánh đạo, vì chúng đưa con người từ hình thể đi vào sự sống, dẫn họ ra khỏi vật chất để bước vào tâm thức.

Nay ta sang phần hai của bài là động cơ chân chính hay lòng thanh khiết. Chuyện giản dị là khi có mong ước và tâm trí trong sạch, hình thể tạo ra không thể bị lôi cuốn để theo đường tả đạo hay phá hoại. Đối với đa số, mục tiêu là sự trong sạch về tình cảm và vật chất, và quan trọng số một là thoát khỏi sự kềm chế và ham muốn tình cảm, do đó câu nói hay được nhắc tới trong sách vở thí dụ như cuốn 'Ánh Sáng trên Đường Đạo':
- Hãy diệt lòng ham muốn.
Đúng hơn, có lẽ nên nói là hãy tái định hướng lòng ham muốn, hướng nó theo đường ngay. Bởi việc liên tục tái định hướng lòng ham muốn để cuối cùng nó thành thói quen của trí não là chìa khóa cho sự thanh lọc bản thân, cũng như là căn bản cho hoạt động hữu hiệu về huyền thuật. Giải thích rõ một chút thì khi bước vào đường đạo và làm việc với tư tưởng, cách suy nghĩ của người chí nguyện hóa ra mạnh mẽ hơn, hình tư tưởng được tạo với mục tiêu rõ ràng và được mạnh mẽ nhờ thiền định, cho ra kết quả hữu hiệu hơn. Huyền thuật – luôn luôn thực hiện ở cõi trần – vì vậy hằng chứa đựng khuynh hướng thiên về tả đạo cho tới khi con người có được tâm thức cao thường trực, và động cơ chân chính trở thành thói quen của cái trí.
Thế thì, luyện tập để có thói quen đúng đắn, giữ cho nó vững vàng, là đòi hỏi đầu tiên nơi người chí nguyện. Từ lâu, tư tưởng của người bị lòng ích kỷ lôi kéo và tư lợi thành yếu tố chế ngự. Một phần công việc của đức Chúa khi xưa là đảo ngược trở lại khuynh hướng này bằng cách đề cao lòng hy sinh và không ích kỷ. Tinh thần tử vì đạo là một trong những kết quả của lời dạy này, tuy nó thường khi nhuộm mầu điên loạn và có óc tư lợi về cõi thiên đường; dầu vậy kết quả được xem là thành công vì tinh thần Thiên Chúa giáo là tái định hướng về chuyện cõi trời. 

Xem Tiếp Bài 2

Tham khảo:
- A Treatise on White Magic, A.A. Bailey.